Các nhà khoa học đã có thể bẻ cong đường đi của chùm sáng giống như chùm
electron
Ngày nay các thiết bị và dụng cụ quang học
đã phổ biến tới tất cả mọi người, từ những vật đơn giản như chiếc kính
mắt hay tới những chiếc máy ảnh, camera, thiết bị chiếu chụp y tế... Cho
dù có cấu trúc phức tạp hay đơn giản, gọn nhẹ hay cồng kềnh, chi phí ít
hay đắt tiền, những thiết bị đó đều có các đặc điểm chung cơ bản là
hoạt động dựa theo nguyên lý truyền thẳng và tính thuận nghịch của ánh sáng.
Tuy nhiên trong tương lai có thể chúng ta sẽ được sớm chứng kiến các
thế hệ thiết bị quang học hoàn toàn mới dựa trên tính truyền bất thuận nghịch của chùm photon hệt như chuyển động của electron (điện tử) trong từ trường. Công nghệ này vừa được các nhà khoa học tại Đại học Stanford
danh tiếng phát triển thành công và theo họ mô tả nó sẽ mở ra khả năng
sử dụng photon để thay thế electron trong hàng loạt vật liệu nano.
Photon-ánh sáng
Như chúng ta đã biết, bản chất của ánh sáng là sóng điện từ lan truyền
trong không gian với bước sóng (tần số) nằm trong một dải nào đó, với
ánh sáng khả kiến thì phổ bước sóng vào khoảng từ 0,4 micromet tới 0,75
micromet. Ngoài tính chất sóng, ánh sáng cũng có tính chất hạt, mà trong
lý thuyết lượng tử người ta đặt cho các hạt này tên gọi photon. Kích
thước của photon thế nào thì nó vẫn còn là một bí ẩn của vật lý, tuy
nhiên, chúng ta biết rằng nó không có khối lượng (thực ra có thể nó có
khối lượng cực kì nhỏ tới mức không ảnh hưởng lên những tính chất khác)
và không mang điện.
Sự khúc xạ ánh sáng ở mặt biên giữa hai môi trường
Về mặt quang học, trong môi trường trong suốt
và đồng tính, ánh sáng truyền theo đường thẳng. Tại mặt giao nhau của
hai môi trường không trong suốt có chiết xuất khác nhau, ánh sáng có thể
bị đổi hướng do các hiệu ứng điện từ xuất hiện ở mặt biên và người ta
gọi đó là hiện tượng khúc xạ ánh sáng. Do vậy khi đi qua các môi trường
khác nhau, đường truyền của ánh sáng bị gấp khúc tại nhiều điểm. Tuy
nhiên, cho dù ánh sáng truyền từ điểm A tới điểm B với đường đi phức tạp
thế nào thì nó cũng có thể truyền theo chiều ngược lại từ B tới A theo
chính con đường đó, hiện tượng này được gọi là nguyên lý thuận nghịch
của sự truyền sáng và người ta sử dụng nó để ứng dụng trên nhiều thiết
bị quang học.
Qúa trình chuyển động bất thuận nghịch của electron trong từ trường
Trước hết thế nào là một quá trình bất thuận nghịch? Quá trình bất thuận
nghịch là thuận ngữ dùng để mô tả những gì xảy ra một chiều mà không
thể diễn ra theo chiều ngược lại. Ví dụ bạn thả một quả trứng xuống nền
nhà và nó vỡ chứ không có chuyện quả trứng đang vỡ tự lành lại rồi bay
từ nền nhà trở lại tay bạn. Tiếp theo dưới đây bạn sẽ hiểu tại sao người
ta nói chuyển động của electron trong từ trường là một quá trình bất
thuận nghịch.
Ở phổ thông chúng ta biết rằng bất cứ hạt mang điện nào chuyển động
trong từ trường nó sẽ chịu tác động bởi một lực mà người ta người ta gọi
là lực Lorentz. Phương và chiều của lực này được xác định nhờ quy tắc bàn tay trái:
bạn đặt lòng bàn tay hứng các đường cảm ứng từ, sao cho chiều từ cổ tay
tới các ngón tay chỉ chiều chuyển động của hạt mang điện, khi ấy phương
của ngón tay cái choãi ra 90 độ chỉ phương của lực Lorentz. Chiều của
lực Lorentz sẽ phụ thuộc vào điện tích của hạt chuyển động. Nếu hạt mang
điện dương, chiều của lực trùng với chiều của ngón tay cái, còn nếu hạt
mang điện âm, lực sẽ có chiều ngược lại. Do tác động của lực Lorentz,
hạt mang điện chuyển động trong từ trường đều sẽ có dạng hình xoắn ốc.
Chuyển động của hạt mang điện khi có mặt từ trường sẽ có dạng xoắn ốc
Tiếp theo chúng ta xem xét một trường hợp đặc biệt hơn khi phương chuyển
động của electron vuông góc với phương của từ trường. Lúc này lực
Lorentz chỉ tác động theo phương vuông góc với phương chuyển động của
electron và không làm thay đổi tốc độ của hạt. Kết quả là nó bẻ cong
đường đi của hạt mang điện. Vì thế chúng ta có được một electron chuyển
động đều theo một quỹ đạo tròn với bán kính xác định phụ thuộc vào độ
lớn của từ trường (điện tích của electron cố định là -1,6*10^(-19)
coulumb). Bây giờ nếu cho electron bay vào cùng khu vực từ trường đã nêu
với cùng phuơng nhưng theo chiều ngược lại, liệu nó có chuyển động trên
cùng quỹ đạo tròn như trên và ngược chiều hay không? Nếu bạn tiếp tục
áp dụng quy tắc bàn tay trái, bạn sẽ thấy rằng kết quả là không,
electron sẽ chuyển động trên một quỹ đạo tròn đối xứng với quỹ đạo ở
trên qua phương chuyển động thẳng trước nó lúc đi vào vùng từ trường.
Như vậy, khi đổi chiều electron không thể đi theo chiều ngược lại trên
đường tròn mà nó đã đi ban đầu. Đó là lý do tại sao người ta gọi quá
trình đó là chuyển động bất thuận nghịch.
Đại học Stanford tạo ra chuyển động bất thuận nghịch của photon trong từ trường
Khác với electron, photon không mang điện nên khó có thể hình dung ra từ
trường tác động lên nó ra sao. Tuy nhiên, việc thay đổi phương truyền
của photon ở mặt biên của hai môi trường trong suốt có thể là một gợi ý
tốt cho việc liên quan giữa tác động của từ trường lên photon theo một
cách nào đó. Với mục đích điều khiển đường đi của ánh sáng, các nhà khoa
học tại Đại học Stanford đã "đục" các lỗ cực nhỏ trên tấm silicon để
biến nó thành một vật liệu tinh thể quang học có khả năng giam cầm hoặc
giải phóng photon. Hệ thống các lỗ trên tấm silicon sẽ tạo thành mạng
lưới dày đặc những mạch điện. Bằng cách điều khiển chính xác dòng điện
chạy qua các mạch này, các chuyên gia có thể tạo ra một hệ từ trường đặc
biệt và sử dụng nó để tác động lực lên photon. Họ gọi từ trường tổng
hợp do các mạch điện sinh ra là "từ trường hiệu dụng".
Do công bố không chỉ rõ chi tiết phương thức tương tác của từ trường với
photon diễn ra như thế nào nên ở đây mình không thể giải thích cặn kẽ
cho các bạn được. Các chuyên gia chỉ cho biết, kết quả tác động của lực
từ lên photon giống hệt như với electron. Tức là photon sẽ chuyển động
theo các quỹ đạo tròn với bán kính xác định. Nhóm nghiên cứu cho biết
thêm, bằng cách điều khiển vận tốc của photon trước khi đi vào tinh thể
quang học ở trên (với các môi trường có chiết suất lớn, người ta có thể
điều khiển photon chuyển động chậm ở tốc độ vài mét/giây) họ có thể hiệu
chỉnh bán kính quỹ đạo của nó theo ý muốn.
Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu tại Stanford
Việc các nhà khoa học thực hiện thành công thực nghiệm điều khiển chuyển
động của photon giống như electron trong từ trường chứng tỏ việc truyền
sáng có tính bất thuận nghịch chứ không phải hoàn toàn thuận nghịch như
chúng ta biết. Điều đó có nghĩa là có sự khác biệt nhất định khi ánh
sáng truyền theo một chiều nào đó và khi nó truyền theo chiều ngược lại
trên cùng đường đi. Việc hiểu rõ phương thức tác động bất thuận nghịch
như trên sẽ giúp chế tạo ra các thiết bị truyền sáng, thiết bị truyền
tín hiệu mới như cáp quang thế hệ tiếp theo với khả năng mất mát thông
tin tin và suy giảm tín hiệu ít, gần như không còn nhiễu do các hiệu ứng
tán xạ ngược trên bề mặt cáp truyền. Do đó, chúng ta có thể trong đợi
vào các hệ thống mạng với tốc độ nhanh hơn, băng thông cao hơn và ít bị
nhiễu.
Thí nghiệm này cũng chỉ ra photon phải có một đặc trưng vật lý nào đó
giống như điện tích trên electron (có thể người ta sẽ gọi nó là quang
tích hay một tên gọi nào đó kiểu như vậy). Từ đó mở ra khả năng thay thế
electron bằng các photon trong các loại vật liệu nano mới. Điều này sẽ
giúp tăng tốc độ điều khiển, giảm kích thước các sản phẩm trong tương
lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét