Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Các nhà nghiên cứu phát minh thành công thiết bị nhỏ gọn có thể cung cấp hình ảnh 3D của thực quản

Screen Shot 2013-01-16 at 1.43.36 AM.jpg

Có lẽ rất nhiều người trong số chúng ta đôi lúc đã gặp phải những triệu chứng khá khó chịu như ợ nóng, cảm thấy đau, nhứt ở cổ họng hay ngực do tình trạng trào ngược axit từ dạ dày vào thực quản. Nếu những điều đó chỉ xảy ra đôi lần thì sẽ không có gì là nghiêm trọng, nhưng nếu nó diễn ra nhiều lần thì dường như bạn đang gặp phải một chứng bệnh gọi là Barrett thực quản* (giải thích cuối bài). Căn bệnh này thường có những dấu hiệu rất khó nhận biết, vì vậy đa phần bệnh nhân đều tỏ vẻ chủ quan và không có những biện pháp ngăn ngừa kịp thời, dẫn đến hậu quả là ung thư thực quản.

Để phát hiện sớm tình trạng bệnh trên, các nhà nghiên cứu tại bệnh viện Massachusetts, thuộc thành phố Boston, Mỹ, đã phát minh ra một thiết bị có hình dạng nhỏ như viên thuốc, có chức năng cung cấp chi tiết những hình ảnh của thực quản dưới định dạng 3D. Đầu tiên nhắc sơ qua về cấu tạo của nó, thiết bị này có phần thân trong suốt, ở phía đuôi có nối với một sợi dây dài - nhằm truyền dữ liệu từ camera ở phía đỉnh đến với máy tính phân tích của bác sĩ. Điểm đặc biệt của nó đó chính là kích thước rất nhỏ, cùng với đó là phần đầu có hình dạng tròn cong như viên thuốc con nhộng chúng ta hay uống, vì vậy bạn sẽ không cảm thấy khó chịu khi các bác sĩ đưa nó vào bên trong thực quản.

Về cách thức làm việc, thiết bị này sẽ hoạt động thông qua kỹ thuật OFDI - một kỹ thuật tương tự như sóng siêu âm, nhưng ở đây nó lại sử dụng ánh sáng hồng ngoại. Theo đó, khi "viên thuốc" này tiến sâu vào thực quản, các nhà nghiên cứu sẽ bắt đầu tạo ra một chùm tia sáng, sau đó tách nó thành hai tia sáng riêng biệt: một tia (được gọi là tia tham chiếu) sẽ được gởi đến bộ phận dò tìm, tia còn lại sẽ gửi đến sợi dây gắn bên trong thiết bị, có nhiệm vụ phát hiện các mô bệnh, mô bất thường.

Bên trong thực quản, chùm tia sáng này sẽ tập trung vào một điểm có đường kính bằng sợi tóc của chúng ta, sau đó nó sẽ bắt đầu quay quanh trục với tần số 20 lần/giây. Khi hoàn tất quá trình trên, tia sáng đó sẽ được gởi ngược trở lại bộ phận dò tìm - nhằm so sánh trực tiếp với tia tham chiếu. Sự khác biệt giữa hai tia có thể sẽ được sử dụng để tái tạo lại hình ảnh mặt cắt ngang của thực quản dưới kính hiển vị. Bằng cách xếp chồng các mặt cắt lên nhau, những nhà nghiên cứu có thể tạo ra một hình ảnh ba chiều của thực quản.

Bằng cách đó, thiết bị này sẽ cung cấp cho bác sĩ những hình ảnh chi tiết nhất về bề mặt của thực quản, cũng như các lớp mô bất thường nằm bên trong có độ sâu khoảng 10 micron - điều kiện cần và đủ để có thể phát hiện kịp thời những dấu hiệu của ung thư thực quản.

Trên thực tế, hiện nay hầu như bệnh viện nào cũng có những dụng cụ cần thiết để kiểm tra bệnh Barrett thực quản trên. Cụ thể, khi tiến hành khám bệnh, các bác sĩ sẽ đưa một chiếc camera dài, cơ động, vào sâu bên trong thực quản của cơ thể con người, sau đó họ sẽ dò tìm những mô bất thường (mô bệnh), dùng dao lade cắt bỏ và bắt đầu mang đi tiến hành xét nghiệm. Tuy nhiên, quá trình này lại tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc cũng như công sức của cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, đó là chưa kể đến cảm giác đau đớn từ vết cắt.

Phát minh này đã được đăng trên tạp chí Nature Medicine.

*Bệnh Barrett thực quản: là tình trạng biến đổi biểu mô vảy bình thường ở vị trí xa thực quản thành biểu mô trụ . Đây là một biến chứng thường gặp của bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản. Barrett thực quản có rất nhiều nguy cơ trở thành ung thư thực quản nếu không phát hiện kịp thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét